Vùng đất thiên nhiên hùng vĩ…Tây Nguyên!
Lượt xem:
Tây Nguyên một vùng đất với những cao nguyên xếp tầng đầy nắng và gió, những cánh rừng già xanh thẫm, nơi những con người mộc mạc chất phác cùng nhau sinh sống tạo nên một cộng đồng với nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Vùng đất Tây Nguyên với nhiều dân tộc anh em cùng nhau sinh sống như Bana, Ê đê, Gia Rai, K’ho, M’Nông,…mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng nhưng tổng thể vẫn có một sự thống nhất và hòa hợp với nhau. Các dân tộc ở Tây Nguyên phát triển trên cơ sở một nền kinh tế trồng trọt nương rẫy khác với nền văn minh lúa nước của các dân tộc sinh sống ở vùng đồng bằng. Cuộc sống của con người nơi đây gắn liền với những cánh rừng già và họ yêu rừng như ngư dân yêu biển, rừng cũng chính là cội nguồn như một người mẹ luôn che chở và giúp đỡ họ.
Người Tây Nguyên có thói quen sinh sống trong các ngôi nhà sàn bởi vì xưa kia vùng đất này toàn là rừng và có nhiều thú dữ nên xây dựng nhà sàn trên cao để tránh thú dữ tấn công. Đặc biệt là ngôi nhà Rông đó được coi như linh hồn của làng, nhà Rông có chức năng như những ngôi đình của người Việt. Là nơi gìn giữ tục lệ, nơi truyền lửa truyền thống của những vị tộc trưởng cho lớp trẻ của làng. Ngôi nhà Rông một biểu tượng linh thiêng thể hiện sức mạnh cũng như sự trường tồn của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Con người Tây Nguyên có những lễ hội vô cùng độc đáo, có thể nói trên khắp cả nước không ở đâu tìm thấy những lễ hội đặc sắc như vậy. Và có hai lễ hội khá quan trọng với họ là lễ hội “Đâm trâu” và lễ “Bỏ mả”. Lễ hội đâm trâu được tổ chức nhằm đưa lễ vật tạ ơn với các vị thần đã bảo vệ dân làng và cầu cho một mùa màng bội thu. Còn lễ “Bỏ mả” là một nghi lễ tiễn đưa những người đã mất, theo quan niệm của họ chỉ khi thực hiện lễ bỏ mả thì người chết mới hoàn toàn rời xa họ và đi đầu thai một kiếp khác còn trước đó thì họ vẫn sẽ hàng ngày mang cơm ra mộ của người chết dọn dẹp trông coi những ngôi mộ đó khi họ có đủ điều kiện làm lễ bỏ mả (phải đem một nửa tài sản của gia đình ra tổ chức lễ chiêu đãi những người trong làng), họ sẽ làm những tượng nhà mồ để giúp họ chăm sóc người thân đã mất bởi vì sau khi tiến hành lễ bỏ mả họ sẽ không còn đến thăm mộ nữa. Những lễ hội ở nơi đây đều mang yếu tố cộng đồng rất cao, họ rất chú ý đến sự đoàn kết của những thành viên trong làng và tổ chức lễ hội chính là cơ hội để gắn kết các thành viên.
Nếu như nhà Rông là linh hồn của làng thì cồng chiêng chính là âm vang của núi rừng Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cồng chiêng được những dân tộc núi rừng Tây Nguyên sử dụng rất phổ biến hầu như dịp nào cũng thấy cồng chiêng góp mặt như dịp lễ hội, cưới xin, ma chay…tùy vào từng trường hợp mà họ đánh ra những bản công chiêng mang những âm điệu khác nhau. Không gian cồng chiêng chính là nét văn hóa độc đáo nhất tạo nên sự khác biệt của dân tộc ở Tây Nguyên.
Săn bắt và thuần dưỡng voi rừng là một nghề truyền thống của những dân tộc ở Tây Nguyên. Họ có những kĩ thuật và kinh nghiệm săn bắt voi rừng vô cùng nhuần nhuyễn. Mặc dù hiện nay không được phép săn bắt voi nữa tuy nhiên những kĩ thuật hay dụng cụ săn bắt voi vẫn còn được người dân lưu giữ rất tốt.
Trang phục của các dân tộc ở đây có hai màu chủ đạo là màu đỏ và đen. Trang phục truyền thống của nam là mặc áo và đóng khố còn nữ thì mặc áo và váy. Những trang phục giản dị nhưng không kém phần tinh tế.
Vùng đất Tây Nguyên với những giá trị văn hóa vô cùng độc đáo, những nét văn hóa đặc sắc của con người nơi đây luôn thu hút sự tò mò muốn khám phá của du khách thập phương
Tác giả: H’Jăp