Những người thầm lặng trong công tác chăm nuôi học sinh
Lượt xem:
Để ngôi trường hoạt động có hiệu quả là sự cố gắng, nổ lực của nhiều bộ phận, tổ chức, trong đó công tác chăm nuôi là công việc quan trọng, đóng góp công sức không nhỏ trong thành công chung của đơn vị trường học.
Từ nhiều năm nay, công tác chăm nuôi học sinh luôn được nhà trường coi trọng, đầu tư đúng mức, nhằm đảm bảo sức khỏe người học. Trong đó, bộ phận cấp dưỡng luôn có vai trò to lớn. Bởi lẽ, ngoài nấu ăn phục vụ học sinh, họ còn ý thức cao trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, gìn giữ không gian nhà ăn thoáng mát, sạch sẽ. Vì vậy, tạo sự yên tâm nơi cha mẹ học sinh.
Trường PTDTNT THCS&THPT Đắk Song hiện nay, bộ phận cấp dưỡng gồm bốn thành viên, dù thành phần và tuổi tác khác nhau nhưng các cô có cùng tâm huyết yêu nghề, mến trẻ, luôn hoàn thành công việc được giao. Tâm huyết đó là mắt xích quan trọng, trong cách vận hành hiệu quả của cả hệ thống trường học.
Để thực hiện tốt quy trình ăn uống trong ngày, họ phải đến trường sớm để nhận thực phẩm, sau đó phân công nhiệm vụ hợp lý: Người thái thịt, nhặt rau, chế biến, bài trí…. mỗi một công đoạn đòi hỏi sự khéo tay, kĩ năng để hoàn thành chuỗi công việc của mình, phục vụ kịp thời nhu cầu bữa ăn, đúng giờ cho học sinh. Khi hỏi về công việc thường nhật, cô Dương Thị Luyện cho biết: “mặc dù với đồng lương khiêm tốn, nhưng công việc cho tôi niềm vui. Được tiếp xúc với các em học sinh, chứng kiến sự trưởng thành của các em, chúng tôi cũng phấn khởi phần nào”.
Hoạt động ăn uống của học sinh nội trú, được chia làm ba bữa: Sáng, trưa, tối. Buổi sáng bắt đầu từ lúc 6h, buổi trưa bắt đầu từ lúc 11h, buổi chiều từ 17h. Trong các bữa ăn chính, thực đơn luôn được thay đổi thường xuyên, nhằm tránh nhàm chán cho các em.
Bên cạnh niềm vui và tâm huyết với công việc, thì trong cuộc sống các cô trong bộ phận cấp dưỡng còn có nỗi niềm riêng, cô Đậu Thị Trâm chia sẻ: “Thực ra công việc của bản thân cũng có một số khó khăn nhất định. Do hoàn cảnh con cái còn nhỏ, hàng ngày phải gửi, đưa đón thường xuyên nên cũng eo hẹp về thời gian. Tuy nhiên, thấy học sinh chăm ngoan, tiến bộ mỗi ngày, đối với tôi đó cũng là một một nguồn động viên lớn”.
Còn cô Nguyễn Thị Phức trải lòng: “Chúng tôi coi học sinh như con cháu trong nhà, điều chúng tôi muốn là các cháu có ý thức hơn nữa, làm chủ bản thân, cần trau dồi kĩ năng, biết chăm lo cho sức khỏe cho mình, không để thầy cô giáo phải lo lắng nhiều”.
Những điều tâm sự chân thành của các cô bộ phận cấp dưỡng cũng chính là mục tiêu của nhà trường, cha mẹ học sinh với mong muốn các em ngày càng trưởng thành, tiến bộ, hoàn thiện kĩ năng sống để sau này bước vào đời với tâm thế tự tin, chuẩn bị hành trang cho cuộc sống độc lập.